Nghịch lý thú vị ở Vietnam’s Got Talent

Theo dõi Vietnam's Got Talent đến tập thứ 3, hẳn mỗi người đều có một nhận định riêng về chương trình. Tạm không nhắc đến chất lượng thí sinh, một điều chúng ta phải công nhận đó là sự đa dạng trong các tiết mục biểu diễn, cũng như sự sáng tạo mang đậm dấu ấn cá nhân của từng thí sinh so với mùa đầu tiên. Tổng hợp lại 3 tập phát sóng vừa qua, rất dễ nhận ra một nghịch lý: các cụ già, trung niên thường mang đến những màn trình diễn vô cùng sôi động, trẻ trung, trong khi những bạn trẻ lại tạo nên một sân khấu mang âm hưởng dân tộc, truyền thống.

Chưa ai từng bảo: “Là người già thì không nên nhảy nhót”, nhưng đây vẫn luôn là suy nghĩ cố hữu trong đại đa số người trẻ chúng ta. Chúng ta luôn mặc định rằng các cụ lúc nào cũng phải mang phong thái nghiêm trang, mỗi lời nói phải đĩnh đạc thì mới được con cháu nể trọng. Nhưng chúng ta quên rằng các cụ cũng cần một thú vui, sân chơi để giải trí và hoà nhập cùng nhịp sống hiện đại. Không nói đâu xa, chỉ cần dành ra một buổi sáng chủ nhật dạo quanh các công viên gần nhà, các bạn sẽ bắt gặp hình ảnh các cụ U60, U70 tập dưỡng sinh, ca hát, sinh hoạt không khác chi những người trẻ, có chăng ở họ là dăm ba nếp nhăn và mái đầu đã bạc.

Sân khấu Vietnam’s Got Talent đã chào đón không biết bao nhiêu các ông lão, bà cụ đến tham gia. Họ mang đến chương trình những tiết mục độc đáo và lạ mắt mà hầu hết chúng ta chưa một lần được thấy. Xuất hiện trong trang phục khoẻ khoắn, 33 cụ bà từ 51 đến 80 tuổi của câu lạc bộ “Ngôi Nhà” đã gây bất ngờ khi trình diễn màn nhảy hiphop – loại hình nghệ thuật vốn được mặc định cho giới trẻ ở tập 2 của chương trình. Điều đáng nói ở đây là ba cú lộn người trên sân khấu của cô Nguyễn Thị Hạnh, một thành viên đã 60 tuổi khiến khán giả vô cùng thích thú và thán phục. Hay như “bà già Gangnam Style” Nguyễn Thị Nhiên trong tập 1 cũng là một trường hợp cho thấy bức chân dung đầy sức sống của những cụ tuy tuổi đã cao nhưng tâm hồn vẫn rất… tân thời. Nhạc sỹ Huy Tuấn chia sẻ: “Nếu tuổi già mà như các cụ thì chả ai sợ già nữa”. Và quả thực, họ đến với chương trình để thoả mãn niềm đam mê nhảy múa và điều đó ít nhiều đã truyền những cảm xúc thú vị cho người xem.



Những tiết mục tân thời của các thí sinh lớn tuổi
là điểm sáng của Vietnam’s Got Talent mùa mới


Một nghịch lý khác, là khi người ta đang than phiền về việc giới trẻ ngày nay chạy theo khoa học hiện đại mà quên đi gốc gác, nguồn cội của bản thân, thì Vietnam's Got Talent một lần nữa chứng minh nhận định này là sai. Hàng loạt những tiết mục mang âm hưởng dân tộc đã được đưa lên sân khấu bởi chính các bạn trẻ như: chơi các loại nhạc cụ truyền thống, hát ca trù…

Sự đối lập này được minh chứng rõ rệt nhất ở tập 2. Với cùng một bản nhạc nền “Lý Ngựa Ô”, nếu như các cụ của câu lạc bộ “Ngôi Nhà” sử dụng chất liệu hiphop đầy sôi động, cùng ba cú lộn nhào đầy thách thức, thì các chàng trai V-Hunter đến từ Hải Phòng lại thổi vào đấy cái hồn của dân tộc. Nghệ sĩ Thành Lộc sau khi xem xong màn biểu diễn này đã nhận xét: “nếu sự duyên dáng này được khai thác thêm nữa thì nó sẽ rất phù hợp với bản chất của người Việt Nam mình là yêu mến sự hài hước, dí dỏm, chân thành, mộc mạc, mà cũng rất hiện đại và khỏe khoắn”. Ngay từ trang phục cho đến cách dàn dựng, không ngoa khi nói V-Hunter là một trong những tiết mục nhảy thuần Việt nhất mà Vietnam’s Got Talent từng có.



V-Hunter đã thổi hồn dân tộc rất thành công vào điệu nhảy hiphop


Trong tập 3 vừa lên sóng tối chủ nhật 15/12, chúng ta lại được làm quen với một thí sinh có ngoại hình cực kì xinh xắn Nguyễn Kiều Anh. Ngay từ những phút đầu tiên, với ngoại hình dễ thương, hiện đại của mình, ít ai nghĩ rằng cô bé sẽ mang đến chương trình thể loại âm nhạc mang âm hưởng Bắc Bộ - ca trù. Tiết mục của Nguyễn Kiều Anh cùng cái “duyên” toát ra từ chiều sâu của cô bé đã khiến cả khán phòng bị cuốn hút, và theo đó là những tiếng vỗ tay vang lên không ngớt khi Kiều Anh ngưng giọng. Hai vị giám khảo Thành Lộc và Huy Tuấn cùng có chung nhận xét rằng màn biểu diễn của Kiều Anh thuộc dạng hiếm, chắc chắn sau chương trình sẽ có rất nhiều các bạn trẻ tìm đến nhạc cổ truyền để nghe và để hiểu. Bản thân Nguyễn Kiều Anh cũng thổ lộ cô bé hy vọng những bạn đồng trang lứa với mình sẽ yêu thích loại hình ca nhạc dân gian này.



Nguyễn Kiều Anh cuốn hút được cả khán phòng
bằng sự duyên dáng và điêu luyện trong phần hát ca trù


Không riêng gì Nguyễn Kiều Anh hay nhóm V-Hunter, còn có các bạn trẻ khác như 7 cô gái của nhóm Pha Lê Xanh biểu diễn các nhạc cụ dân tộc hay tiết mục khẩu thuật đàn bầu độc đáo của thí sinh Hoàng Duy Dũng cũng là những đại diện cho thế hệ trẻ không bao giờ đánh mất đi bản sắc dân tộc. Họ vẫn hướng mình về các loại hình dân gian, sống hết mình để gìn giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc và không ngừng sáng tạo để mang những giá trị ấy gần gũi hơn với cộng đồng.

Chắc hẳn những gì mà chúng ta được thấy ở đây sẽ không dễ bắt gặp ở các sân khấu khác. Có thể nói, Vietnam’s Got Talent lại một lần nữa gửi gắm thành công thông điệp đầy tính nhân văn về sự dung hòa giữa hai yếu tố hiện đại – truyền thống đến với số đông khán giả.




Theo BTC